Hiện nay, có rất nhiều cách giúp phát triển tư duy cho trẻ mà ba mẹ có thể tự thực hiện tại nhà với con. Cùng chuyên mục Giáo dục sớm 0 – 6 tuổi của MNP tìm hiểu về một số cách giúp trẻ tư duy tốt hơn nhé!
1. Các loại hình tư duy
Tư duy trực quan
Bằng việc quan sát và tham gia các hoạt động thường ngày trong gia đình, trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm nhờ tư duy trực quan hành động. Tư duy này hình thành từ khi trẻ được 1 – 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ rất thích bắt chước. Các hoạt động về trực quan hành động đóng một vai trò không nhỏ trong việc kích thích và phát triển tư duy cho trẻ.
Ngoài tư duy trực quan hành động còn có tư duy trực quan hình tượng. Đây là loại tư duy dựa vào các hình ảnh, biểu tượng trong não để xác lập các mối quan hệ liên quan, thường xuất hiện ở trẻ từ 3 – 6 tuổi.
Tư duy logic
Tư duy logic ở trẻ là hoạt động suy nghĩ, suy luận, xâu chuỗi các sự việc một cách rõ ràng, rành mạch để giải quyết vấn đề. Rèn luyện tư duy logic cho trẻ sẽ giúp con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả và sáng tạo hơn. Ba mẹ có thể cho trẻ chơi các trò chơi trí tuệ, câu đố để phát triển tư duy cho trẻ.
Tư duy sáng tạo
Sáng tạo là tiềm năng của mọi đứa trẻ. Tư duy sáng tạo là khả năng suy nghĩ, tìm tòi ra những ý tưởng, cách làm mới mẻ, không gò bó trong khuôn khổ. Cách suy nghĩ này làm nảy sinh những phán đoán mới và kết quả mới. Ba mẹ có thể phát triển khả năng sáng tạo cho trẻ thông qua các hoạt động nghệ thuật.
Tư duy trừu tượng
Tư duy trừu tượng là hình thức cơ bản của tư duy sáng tạo, là sự hình dung, tưởng tượng dựa trên cơ sở những điều trẻ đã nhìn thấy và ghi nhớ. Loại hình tư duy này giúp trẻ kết nối sự việc trong mối liên hệ tương quan.
Chẳng hạn như thông qua các chương trình về thế giới động vật trên tivi, trẻ nhớ được con hươu cao cổ có cái cổ dài, chân dài. Khi ba mẹ hỏi trẻ “con hươu cao cổ như thế nào”, trẻ sẽ liên tưởng đến yếu tố đã ghi nhớ, nên có thể đáp lại “con hươu cao cổ có cổ và chân rất dài”.
Tư duy phân tích, phản biện
Tư duy phản biện cũng là một loại tư duy quan trọng. Đó là quá trình trẻ học hỏi, thu thập thông tin để hiểu rõ hơn, đánh giá thông tin đa chiều, xác nhận và làm sáng tỏ vấn đề. Tư duy phản biện giúp trẻ đánh giá thông tin một cách thấu đáo và khách quan hơn.
Tư duy phản biện cũng giúp trẻ biết cách đưa ra những lập luận của riêng mình, bớt chủ quan, ngụy biện. Để phát triển tư duy phản biện, ba mẹ có thể thường xuyên nói chuyện, hỏi ý kiến của con về những vấn đề khác nhau.
2. Đặc điểm tư duy của trẻ theo độ tuổi
Trẻ từ 1 – 3 tuổi
Giai đoạn từ 1 – 3 tuổi được xem là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển nhận thức cho trẻ. Lúc này, não đang phát triển mạnh mẽ nên trẻ thường có xu hướng muốn tương tác với mọi sự vật, hiện tượng xung quanh mình. Khi gặp lỗi sai trẻ sẽ biết rút kinh nghiệm.
Ở độ tuổi này, trẻ xuất hiện tư duy trực quan hành động theo cách ngẫu nhiên. Ba mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ làm quen và sử dụng đồ chơi, dạy phân biệt đồ vật để phát triển tư duy cho trẻ.
Trẻ từ 3 – 6 tuổi
Với nền tảng từ giai đoạn trước, từ 3 – 6 tuổi tư duy của trẻ tiếp tục phát triển rõ ràng, rành mạch hơn. Tư duy trực quan hình tượng xuất hiện. Các mức yêu cầu cũng từ đó tăng thêm, khó hơn. Lúc này, ba mẹ nên cho trẻ tham gia nhiều hoạt động, càng thử và sai để con nhớ được cách làm đúng, phát triển nhiều loại tư duy khác nhau.
3. Các yếu tố tác động đến sự phát triển tư duy của trẻ
Việc phát triển tư duy cho trẻ mầm non sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Những ảnh hưởng tốt sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về trí tuệ. Ngược lại, tư duy không tốt khiến trẻ phát triển không lành mạnh, lệch lạc.
Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy của trẻ là: Di truyền, tính tích cực hoạt động và phương pháp giáo dục. Các yếu tố di truyền là không thay đổi, tính cách cũng ít thay đổi, một số trẻ giai đoạn đầu đời thích quan sát hơn trực tiếp tham gia.
Phương pháp giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy của trẻ, giúp ba mẹ bù đắp sự thiếu hụt mà yếu tố di truyền không có. Giáo dục phù hợp tính cách cũng giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng.
4. Một số cách giúp phát triển tư duy cho trẻ
Giáo dục tư duy sớm
Các trường mầm non ngày nay rất chú trọng vào việc phát triển tư duy cho trẻ sớm, đặc biệt là ở các trường mầm non song ngữ và quốc tế. Sự kích thích tư duy theo độ tuổi với những hoạt động phù hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích, tạo thói quen tư duy tốt cho trẻ sau này. Vì thế ba mẹ cần tìm hiểu để chọn trường học phù hợp cho con.
Xây dựng thói quen đọc sách
Theo India Today, bé đọc sách là một trong những cách tốt nhất để kết nối với chính mình và thế giới. Khi trẻ đọc sách, bộ não sẽ nắm bắt được nhiều kiến thức, làm tiền đề trong việc phát triển tư duy cho con.
Hoạt động nghệ thuật
Hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, tô màu, lắp ghép, tô tượng, nặn đất sét,… được coi là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng tư duy sáng tạo. Trong các hoạt động này, trẻ sẽ được tự do phá bỏ khuôn mẫu, làm theo ý mình.
Bên cạnh đó, việc học nhạc, múa sẽ giúp con phát triển các loại trí thông minh âm nhạc, trí thông minh ngôn ngữ, là tiền đề phát triển tư duy cho trẻ. Vì vậy, ba mẹ có thể cho trẻ thử nhiều bộ môn nghệ thuật và cùng con chọn ra môn yêu thích nhất. Việc yêu thích sẽ là động lực để trẻ phát triển tư duy.
Chơi các trò chơi phát triển trí tuệ
Một số trò chơi giúp phát triển tư duy cho trẻ là:
- Dạy trẻ phân biệt các đồ vật
- Chơi trò chơi tìm đồ vật
- Trò chơi ghép hình
- Hỏi đáp và giải đố
- Kể chuyện
- Xếp hình tháp, lâu đài
- Đếm bậc thang: Kết hợp giữa việc vừa leo thang vừa đếm số, giúp trẻ nhớ số một cách nhanh chóng là tiền đề để phát triển tư duy cho trẻ
Kể chuyện là một cách phát triển tư duy cho trẻ
Làm bài tập tư duy logic
Những bài tập tư duy logic cũng được khuyến khích sử dụng, ba mẹ có thể lồng ghép vào các trò chơi để trẻ vừa chơi vừa học. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể cho trẻ tham gia các lớp học toán tư duy, ví dụ như toán tư duy EduBee từ sớm để phát triển tư duy cho trẻ.
Nói chuyện với con, khuyến khích trẻ khám phá, đặt câu hỏi mở
Trẻ 0 – 6 tuổi rất tò mò và thích đặt câu hỏi. Ba mẹ không cần phải là người thông thái, cái gì cũng biết mà chỉ cần chân thành với con như hai người bạn. Bởi vì, đôi khi trẻ hỏi không phải để có câu trả lời chính xác mà là muốn thảo luận với ba mẹ.
Ba mẹ có thể hỏi ngược lại trẻ để thấy suy nghĩ của con về chính điều mà con đang hỏi. Có rất nhiều ba mẹ đã ngạc nhiên với sự lý giải độc đáo của con mình.
Việc đặt câu hỏi mở rất quan trọng trong việc phát triển tư duy cho trẻ em. Những câu hỏi này giúp trẻ biết cách phản biện và lập luận. Ba mẹ nên chia sẻ cho trẻ mọi thứ, nói chuyện với trẻ về những hoạt động đang diễn ra như với một người lớn. Việc sử dụng từ ngữ chính xác sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
Rèn kỹ năng đánh giá, phản tư cùng trẻ
Trước khi chơi trò chơi hay làm gì đó, ba mẹ có thể cùng trẻ đặt ra các giả thuyết. Điều này cũng giúp phát triển tư duy cho trẻ. Ví dụ một số câu hỏi như: “Nếu chúng ta làm việc này, con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?” hoặc “Con đoán xem kết quả là gì?”.
Quá trình lên kế hoạch, hành động, kiểm tra lại kết quả so với giả thuyết, cải tiến hành động sẽ giúp trẻ học được cách đánh giá cơ hội trước khi thực hiện, đánh giá hiệu quả đang thực hiện và đánh giá kết quả đã thực hiện xong. Những lần thực hiện sai lầm sẽ là kinh nghiệm quý cho con.
Cùng trẻ học cách tự giải quyết vấn đề
Tự giải quyết vấn đề là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tư duy cho trẻ. Ba mẹ có thể dạy trẻ làm việc nhà, không nên làm hộ cho con mãi mà hãy hướng dẫn và để trẻ tự thực hiện. Những lần thành công sẽ giúp trẻ tự tin hơn vào khả năng của bản thân và sau này có xu hướng cố gắng hơn.
Khuyến khích trẻ đưa ra thật nhiều ý tưởng mới mẻ để luyện tập tư duy. Điều quan trọng là đừng phán xét hay đánh giá đúng sai, hãy để trẻ tự do sáng tạo và thử nghiệm. Trẻ học được nhiều cách khác nhau để giải quyết cùng một vấn đề. Đây là cách phát triển tư duy cho trẻ và cả người lớn.
Vui chơi nhiều hơn
Vui chơi, đặc biệt là vui chơi ngoài thiên nhiên rất quan trọng trong việc phát triển tư duy cho trẻ. Cho dù là chơi với bạn bè hay một mình đều có thể giúp con định hướng trải nghiệm, tăng chỉ số IQ, trực giác mà trên lý thuyết khó có thể thể học được. Những trải nghiệm tự thân sẽ ghi nhớ lâu và kỹ hơn lý thuyết.
Ngoài ra, trẻ còn học được những bài học quan trọng trong cuộc sống như làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, tinh thần thể thao và sự sáng tạo thông qua thời gian chơi của mình. Ba mẹ có thể cho trẻ chơi các trò chơi vận động, trò chơi ngoài trời để con phát triển về thể chất lẫn tinh thần.